Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội
Quay lại

GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CỦA BÀI BÁO “DÂN VẬN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cách đây 70 năm, ngày 15 tháng 10 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” với bút danh X.Y.Z, được đăng trên báo “Sự thật”, bài báo ra đời trong thời điểm Nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tư tưởng của Người về lực lượng to lớn của cách mạng là Nhân dân mà Người đã đề cập trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được phát hành tháng 10 năm 1947.

Phong cách tôn trọng dân của Bác (ảnh Internet)

Bác đã mở đầu bài báo bằng một đoạn văn rất ngắn gọn nhưng lập luận rất chặt chẽ, gần gũi, dễ hiểu mà rất sâu sắc. Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên phải nhắc lại”. Và Bác đã nhắc lại bốn vấn đề mà Người cho là “cốt tử” như sau: “Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?”. Với bút pháp đặt câu hỏi, Bác muốn giải quyết toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng, đồng thời cũng là để cho các địa phương và mọi cán bộ, đảng viên trong cả nước căn cứ vào đó để tự kiểm điểm, tự soi mình trong thực tiễn cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Bài báo “Dân vận” chỉ với 612 chữ nhưng thể hiện rất sinh động một tư tưởng lớn có tầm nhìn chiến lược của Bác về công tác dân vận mà cho đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, đây là một tác phẩm mẫu mực, sâu sắc, minh triết của Người và là cẩm nang vô giá cho mọi cán bộ, đảng viên vận dụng trong công tác hàng ngày. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Mỗi lần đọc bài báo “Dân vận” của Bác, chúng ta học được phong cách giản dị trong cách nói, cách viết và khả năng tự hòa mình vào Nhân dân của Người. Mặc dù Bác là người rất thông thạo nhiều ngoại ngữ, với vốn Nho học uyên thâm, lại là một Nhà báo, một Nhà thơ lớn, nhưng khi nói và viết, Bác luôn dùng những ngôn từ mộc mạc, dễ hiểu và dễ nhớ.

Bác Hồ giáo dục cán bộ (ảnh Internet)

Trong nội dung “cốt tử” thứ nhất, Bác đặt vấn đề: “Nước ta là nước dân chủ”, rồi Bác giải nghĩa một cách cụ thể là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Ở đây, chữ “dân” được Bác nhắc lại nhiều lần, điều này thể hiện rõ tư tưởng của người về vai trò trung tâm của Nhân dân trong suốt tiến trình cách mạng, và với Bác, điều cơ bản nhất là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.

Trong nội dung “cốt tử” thứ hai, Bác đặt câu hỏi: “Dân vận là gì?”, rồi Bác trả lời rằng: “Không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Đó là khái niệm về “dân vận” của Người.

Trong nội dung “cốt tử” thứ ba, Bác đặt câu hỏi: “Ai phụ trách dân vận?”, rồi Bác trả lời bằng cách nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng: “Cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu. Giải thích, đó là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, làm đúng, ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến. Dân thông rồi thì lại phải đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ”. Như vậy “dân vận” là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và của mọi cán bộ, đảng viên chứ không phải của riêng một ai hay một tổ chức nào đó; “dân vận” là phải cùng sống với dân, cùng làm và chia sẻ mọi công việc với dân. Mặt khác, “dân vận” trong lời giải thích, vận động, thuyết phục là chưa đủ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, cần phải “dân vận” cả trong hành động, trong cuộc sống, mẫu mực cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Và đặc biệt là thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Việc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Trong nội dung “cốt tử” thứ tư, Bác đặt câu hỏi: “Dân vận phải thế nào?”, rồi Bác Hồ chỉ rõ: Những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Sau đó, Bác chỉ ra “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc “dân vận”, chỉ cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm “dân vận”. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.  

Chỉ dẫn của Người thực sự là chỉ dẫn về quan điểm, nội dung và phương pháp dân vận. Người đã thẳng thắn phê bình những yếu kém, khuyết điểm mà chúng ta mắc phải trong công tác dân vận. Đó là “thái độ xem khinh việc dân vận, nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Đây là thái độ coi thường dân chúng, rơi vào hành chính, quan liêu, mệnh lệnh, thoát ly thực tế, xa dân. Khuyết điểm, sai lầm tai hại đó còn bộc lộ ở việc chọn người, do xem khinh dân vận nên thường cử những cán bộ kém phụ trách dân vận, không giúp đỡ, không kiểm tra đôn đốc, không phối hợp, không tự thấy trách nhiệm của mình trong công tác dân vận”. Sự phê bình, chỉ trích này của Người vẫn còn có ý nghĩa đến tận ngày nay.

Thật vậy, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đã đặt ra yêu cầu bức thiết là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải ra sức học tập và tu dưỡng, rèn luyện bản thân để có nhận thức và hành động phù hợp với xu thế phát triển, với tình hình thực tiễn của cách mạng. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” nêu rõ hành động của người làm công tác dân vận là phải có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và phải có trách nhiệm với dân”. Các tổ chức Đảng phải lãnh đạo việc “giải thích cho dân hiểu” bằng hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng, mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, góp phần xóa bỏ những bức xúc, những hoài nghi trong xã hội để cũng cố và xây dựng niềm tin một cách tuyệt đối, vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng cho Nhân dân.

Bác Hồ với quê hương (ảnh Internet)

70 năm đã trôi qua, đọc lại bài báo “dân vận” của Bác và cùng nhau suy ngẫm về những điều Bác mong, chắc rằng với những cán bộ và đảng viên trung kiên của Đảng ai cũng sẽ thấy tâm trí mình thêm sáng hơn và lòng mình cũng thêm trong hơn, thấy rõ được những thiếu sót, khuyết điểm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trọng trách của mình. Điều quan trọng nhất và trước nhất trong giai đoạn hiện nay là mọi cán bộ của Đảng và của chính quyền Nhân dân đều phải làm tốt công tác dân vận; phải chăm lo xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước vững mạnh, trong sạch, có đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tụy, trung thành, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Mặt khác, để củng cố và xây dựng ngày càng vững chắc hơn niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành cần phải kiên định và có quyết tâm cao về chính trị trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bệnh quan liêu, lợi ích nhóm, xa hoa, lãng phí… vì đó cũng chính là làm công tác dân vận. Để tham mưu cho cấp ủy, tổ chức Đảng làm tốt công tác dân vận, phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách, nhất là những cán bộ làm công tác tham mưu và cán bộ dân vận ở cơ sở, bởi vì họ là những người thay mặt cho Đảng và Nhà nước để làm công tác “dân vận”, là những người thường xuyên gắn bó máu thịt với Nhân dân. Vì vậy, phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần một cách sâu sắc lời dạy của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số (ảnh Internet)

Thấm nhuần tư tưởng của Người về công tác dân vận, chúng ta phải thành tâm hướng tới cái đích của đổi mới công tác dân vận không chỉ là đổi mới nhận thức, uốn nắn khuyết điểm sai lầm mà còn xác lập phương pháp, phong cách, yêu cầu mới trong công tác dân vận. Như Bác dạy, những người phụ trách công tác dân vận phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, và phải tự giác nhúng tay vào công việc. Đây là một trong những điểm then chốt của đổi mới công tác dân vận, là yêu cầu rất quan trọng đặt ra với mọi cán bộ, đảng viên, nhất cán bộ dân vận chuyên trách. Từ đó, có thể thấy, công tác dân vận là một công tác xã hội, phương pháp, phong cách dân vận là phương pháp khoa học, là phong cách dân chủ, ra sức thực hành dân chủ, chống bệnh quan liêu, xa dân, khinh dân. Giá trị nhân văn bền vững và ý nghĩa to lớn của tác phẩm “dân vận” của Bác là ở chỗ đó.

Nhìn lại chặng đường 33 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, theo tư tưởng “dân vận” của Hồ Chí Minh, công tác dân vận tiếp tục phát huy được tác dụng và đạt được những thành quả to lớn, thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trước những thay đổi, tác động của cơ chế thị trường cùng với những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, công tác dân vận nhiều nơi, nhiều lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng giáo dân… Thực trạng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước không đến được với Nhân dân; cán bộ thì không hiểu, không nắm được tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đang là một trở ngại rất lớn đối với công cuộc đổi mới. Đặc biệt, ở một số nơi, những kẻ xấu, những kẻ cơ hội về chính trị đã thao túng tình hình, thậm chí lôi kéo được không ít đồng bào làm những việc vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều hạn chế về trình độ, năng lực… nên hoạt động kém hiệu quả. Sự yếu kém đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân rất quan trọng gây cản trở lớn nhất là do công tác dân vận yếu kém.

Để công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, để mọi cán bộ, đảng viên không chỉ nói mà điều quan trọng là làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người và các nghị quyết của Đảng, cũng như những chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở; bên cạnh việc tập trung đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân thì việc chăm lo, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã phường, khu phố và thôn xóm, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng giáo dân là vấn đề sống còn của cách mạng, là một yêu cầu cấp bách và phải quyết liệt làm ngay. Muốn vậy, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước làm công tác dân vận, nhất là những cán bộ, đảng viên và gia đình những người sinh sống và công tác lâu dài ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, và có bước đột phá thật sự trong công tác dân vận. 

Trần Danh Toại

 

Tài liệu tham khảo:

- Bài báo Dân vận của Bác Hồ

- Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Danh mục Danh mục