Chủ đề năm 2023: Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội

Tin tức nổi bật Tin tức nổi bật

Danh mục Danh mục

Quay lại

Triển khai Hóa đơn điện tử - Tiền đề quan trọng thực hiện thành công chuyển đổi số ngành Tài chính, hướng tới chuyển đối số quốc gia

Thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào khối hành chính công và các hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai Hóa đơn điện tử là phần quan trọng trong chuyển đổi phương thức quản lý thuế theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, là tiền đề để Chính phủ Việt Nam trong đó có ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đạt được những mục tiêu quốc gia về chuyến đổi số.

Hóa đơn là chứng từ đặc biệt, để ghi nhận giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa người bán và người mua. Đồng thời, hóa đơn cũng chính là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp có ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Do vậy, quản lý hóa đơn đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuê nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

Từ chỗ chỉ có một hình thức duy nhất là hóa đơn giấy đến hệ thống hóa đơn điện tử nhanh, gọn, tiện lợi và minh bạch, dễ kiểm soát là một chặng đường dài và liên tục chuyển đổi của ngành Thuế.

Nhìn lại cả một quá trình thực hiện cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý thuế, từ khai thuế điện tử năm 2009, đến năm 2014 thêm một bước quan trọng là nộp thuế điện tử. Năm 2017, mở rộng triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử và sau đó là triển khai hệ thống 479 kênh hỗ trợ trực tuyến cho người nộp thuế trên phạm vi toàn quốc. Đây là những cải cách quan trọng giúp giảm số giờ thực hiện thủ tục của người nộp thuế và tăng chỉ số nộp thuế của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 thêm 64 bậc, tạo nên sự bứt phá của Việt Nam từ vị trí 173 lên 109 trong bảng xếp hạng của ngân hàng thế giới.

Ngành Thuế đã có một quá trình liên tục và luôn có những bước đi chắc chắn, giải quyết từng bài toán phát sinh trong quá trình phát triển cùng đất nước theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn kết nối với hệ thống dữ liệu ngành thuế là một trong những bước đi như vậy.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã dành hẳn một chương quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Dấu mốc quan trọng được đưa ra cụ thể từ ngày 01/07/2022 Luật cũng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01/7/2022.

Hệ thống hóa đơn điện tử theo Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 có những tính năng nổi trội giúp giải quyết được phần lớn các bài toán về quản lý thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh sản xuất.

Nếu hệ thống hóa đơn điện tử trước đây không theo định dạng chung, không kết nối được thỉ nay hóa đơn điện tử được tạo lập, truyền nhận, lưu trữ theo chuẩn định dạng dữ liệu chung, là căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử của ngành Thuế. Không chỉ vậy, hóa đơn được lập gắn với thông tin số định danh của người nộp thuế, có tính an toàn bảo mật cao, có thể tra cứu xác thực và phòng chống được nạn sử dụng hóa đơn giả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan được phép truy cập vào Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn liên quan đến các giao dịch của người nộp thuế, để thực hiện các thủ tục hành chính công điện tử như giải quyết hồ sơ đăng ký nhà đất, hồ sơ đăng ký phương tiện giao thông, hoặc phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước...

Hơn thế nữa, vận hành hóa đơn điện tử theo chuẩn định dạng chung sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho quá trình số hóa của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Mọi quy trình thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn, lập hóa đơn, chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo giao dịch điện tử cấp độ 4, minh bạch, tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Trong một doanh nghiệp, từ ứng dụng hóa đơn điện tử, có thể liên thông với các ứng dụng khác như quản lý kho hàng, quản lý chuỗi cung ứng, kế toán doanh nghiệp, khai thuế điện tử.

Đối với xã hội, hóa đơn điện tử góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt phát triển; các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển các dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và dịch vụ kết nối truyền nhận dữ liệu, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Để đảm bảo tiến độ triển khai quy định mới về hóa đơn điện tử, Ban Cán sự Bộ Tài chính đã ra nghị quyết về lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 với 6 tỉnh, TP là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Sáu địa phương này có số lượng người nộp thuế chiếm 60% so toàn quôc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm chiếm khoảng 70% so toàn quốc, việc triển khai hóa đơn điện tử thành công ở 6 tỉnh/ thành phố này là tiền đề quan trọng cho việc triển khai giai đoạn 2 từ tháng 4 năm 2022 với 57 địa phương còn lại, đảm bảo từ tháng 7 năm 2022 hóa đơn điện tử theo Luật quản lý thuế số 38 được bao phủ trên toàn quốc.

Tổng cục Thuế xác định toàn ngành phải vào cuộc với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng cơ quan thuế. Tổng cục Thuế tập trung gần 100 chuyên gia công nghệ thông tin của ngành cùng với đối tác phát triển phần mềm gấp rút triển khai việc phân tích, thiết kế, xây dựng các phân hệ ứng dụng hóa đơn điện tử phục vụ người nộp thuế và công tác quản lý. của cơ quan thuế. Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành hệ thống ứng dụng, đã tổ chức tập huấn cho công chức thuế và người nộp thuế thuộc-địa. bàn 6 tỉnh/ thành phố triển khai giai đoạn 1. Hệ thống ứng dụng hóa đơn điện tử của ngành thuế mang tính hiện đại, an toàn, bảo mật cao, có thể xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn khoảng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm. Tại cấp địa phương, trên tinh thần quyết liệt, 6 Cục Thuế đã chủ động báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo và các tổ thường trực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Từ các địa phương đã có nền tảng về chính quyền điện tử đi đầu như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh đến các địa phương khác đều đã sẵn sàng cho sự thay đổi mạnh mẽ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng trong thực tế, tại 6 cục Thuế được lựa chọn triển khai trong giai đoạn 1 đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa hóa đơn điện tử áp dụng vào cuộc sống.

Từ sự thay đổi của cả hệ thống thuế, đến việc tạo nền tảng cho cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế theo hướng 4.0 cho các doanh nghiệp là những ghi nhận bước đầu cho cả quá trình triển khai hóa đơn điện tử. Việc triển khai hóa đơn điện tử là bước chuyển đổi số quan trọng của ngành thuế đế thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về yêu cầu cấp bách đế đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam. Đây là một phần tiên phong và quan trọng theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức, thời gian tới mốc triển khai hóa đơn điện tử định dạng chuẩn trên toàn quốc đã khá gần, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả toàn xã hội, sự động viên hỗ trợ từ hệ thống chính trị, ngành Thuế tin tưởng sẽ triển khai thông suốt, thành công hệ thống hóa đơn điện tử./.

Nguồn: Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

 

TIN TỨC MEDIA TIN TỨC MEDIA